♦ Những bông hoa đẹp trong ngành giáo dục |
Những bông hoa đẹp trong ngành giáo dục-Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Đồng Khởi xin trân trọng giới thiệu ba tấm gương giáo viên tiêu biểu: Nguyễn Thị Kim Quyên, Trần Phan Thị Lệ Dung, Trần Thu Nguyệt. Tuy có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng mỗi người có chung mẫu số là luôn miệt mài với sự nghiệp “trồng người”. Cô Nguyễn Thị Kim Quyên: Giúp học sinh hết mình
Theo hướng dẫn của thầy Lê Bá Đạt, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Đại, chúng tôi lần lượt qua cồn Bà Tư, cồn Kẽm, nhiều đoạn đường đá đỏ lởm chởm rồi đến cồn Nghêu, nối liền Thới Thuận - Thừa Đức, tới Trường Tiểu học Hòa Lợi. Bấy giờ đang là lúc học sinh đến lớp buổi học chiều.
Trường Tiểu học Hòa Lợi được thành lập năm 1994, có 10 lớp học, chia thành hai điểm trường (theo phân bố địa hình dân cư), mỗi điểm trường có 5 lớp. Trẻ em sống tại cồn hầu hết đều theo phụ việc cho cha mẹ tại các ao nuôi tôm hoặc các ghe đánh bắt, vì vậy việc đi học gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự nhiệt tình của các thầy cô giáo nên các em đều được vận động đến trường và ngày càng tiến bộ trong học tập. Thầy Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường cho biết: “Đa số thầy cô dạy ở trường này là người từ nơi khác tới, có nhiều giáo viên mỗi ngày phải vượt khoảng 70km (đi và về). Tuy gặp nhiều vất vả nhưng tất cả đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nổi bật trong số giáo viên của trường có cô Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Nhiều năm liền, lớp do cô làm chủ nhiệm luôn có tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi cao. Đặc biệt, trong năm học 2009-2010, cô Kim Quyên là giáo viên đầu tiên của trường được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh”. Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm năm 1988, cô Kim Quyên được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Hòa Lợi. Tuổi trẻ, yêu nghề, chăm chỉ cùng với điều kiện thuận lợi được dạy học tại quê nhà, cô Quyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn 20 năm trong nghề và hơn 15 năm chủ nhiệm lớp 1 đã giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Năm học 2008-2009, cô Kim Quyên được phân công chủ nhiệm lớp 12. Năm học này chính là mốc khẳng định “tay nghề” của một cô giáo vùng sâu. Cô Kim Quyên tâm sự: “Tôi sinh ra ở vùng sâu nên rất hiểu và cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của học sinh ở nơi đây. Là giáo viên lớp 1, tôi luôn mong muốn học trò mình học giỏi để làm nền tảng cho những năm học sau”. Tổng kết năm học 2008-2009, 22 em học sinh lớp 12 do cô Kim Quyên chủ nhiệm đều được lên lớp, trong đó có 7 em đạt loại giỏi (đạt 31,8%), 3 em đạt loại khá. Cuối năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh lớp 12 lên lớp 100% (sĩ số lớp 10 em), trong đó có 6 em đạt loại giỏi, 4 em đạt loại khá. Hàng ngày, dù phải đi xe máy hơn 15km (lượt đi, về) theo đường đê quốc phòng Thới Thuận - Thừa Đức để tới lớp, nhưng với lòng yêu nghề, thương trẻ và nhiệt tình đã giúp cô vượt qua khó khăn, sắp xếp chu đáo công việc gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên bục giảng. Kinh nghiệm giúp cho cô thành công là ngay từ đầu năm học phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình, khả năng tiếp thu của từng học sinh, sự quan tâm của gia đình đối với các em và nhất là tạo cho các em tâm lý vui vẻ, thoải mái khi đến lớp. Năm học 2010-2011, lớp do cô Quyên chủ nhiệm có 3 học sinh thường nghỉ học và đi trễ (do phải phụ cha mẹ lo việc giữ ao nuôi tôm), cô Quyên đã trực tiếp gặp phụ huynh động viên, nhắc nhở, nhờ vậy sĩ số lớp học luôn đảm bảo (21 em), các em này có nhiều tiến bộ trong học tập. Chị Trần Thị Thùy Trang, mẹ của cháu Phan Trần Như Tâm, cho biết: “Con tôi trước đây không siêng năng luyện tập nên chữ viết xấu. Nhờ cô Kim Quyên hết lòng chỉ dạy cháu và động viên gia đình nhắc nhở, nay cháu viết rất đẹp”. Chị Trang cho biết thêm, năm học trước (2009-2010), chị có người cháu rất lười học, cũng nhờ cô Kim Quyên tận tình dạy bảo, đến cuối năm cháu đã đạt học sinh giỏi. Cô Trần Phan Thị Lệ Dung - tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Cô Trần Phan Thị Lệ Dung, giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre tâm sự: “Qua học tập các chuyên đề, tìm hiểu sách, báo chí về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi vô cùng khâm phục, kính trọng Bác, bởi Bác không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản xuất sắc mà còn là người thầy mẫu mực, một nhà giáo dục tài năng. Bác chỉ ra lý luận phải gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành; nhà trường gắn liền với xã hội; dạy học phải phát triển trí tuệ, tính độc lập, sáng tạo và tính tích cực của người học, dạy học phải chú trọng phương pháp, phải thiết thực và phải đảm bảo tính hệ thống… Quan điểm này ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thiết thực. Khi Đảng ủy và nhà trường tổ chức Hội thi Kể chuyện về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi mạnh dạn tham gia, với câu chuyện “Bác không thăm mẹ con thím thì Bác thăm ai”. Câu chuyện đã góp phần làm cho sinh viên nhận thức được tình cảm vô bờ bến của Bác đối với nhân dân lao động. Qua đó, các em tự suy nghĩ về bản thân, nghề nghiệp và đề ra hướng phấn đấu. Trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa, tôi đưa những nội dung mới để sinh viên cùng tham gia kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, từ đó, mỗi sinh viên vừa rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, vừa có điều kiện tìm hiểu, học tập và làm theo gương Bác. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi đi sâu vào nghiên cứu và thiết kế các mô hình hoạt động theo chủ điểm giáo dục cho học sinh ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; phân tích sâu về tấm gương đạo đức của Bác Hồ để các em thấy được tình cảm của Bác đối với thiếu nhi và phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Với cô Lệ Dung, điều tâm đắc là sinh viên sư phạm từng bước chuyển biến trong nhận thức và hành động. Các em tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng và nghiệp vụ tổ chức các hoạt động tập thể, kỹ năng tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội. Cô Trần Thu Nguyệt - điển hình trong công tác quản lý
Cô Trần Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS thành phố Bến Tre là một trong những hiệu trưởng đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt, cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường…
Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hiệu trưởng; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong 6 năm trở lại đây, công tác quản lý của trường luôn kịp thời và thường xuyên được đổi mới. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn như: hiệu trưởng quản lý tổ chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường; phát huy sức dân tăng cường cơ sở vật chất nhà trường; công tác phối hợp trong tổ chức phong trào thi đua và hoạt động ngoài giờ lên lớp trong Trường THCS thành phố Bến Tre. Với vai trò vừa là bí thư chi bộ vừa là hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyệt luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao, lãnh đạo toàn đơn vị nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững danh hiệu đơn vị đi đầu của ngành giáo dục thành phố Bến Tre trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm học 2010-2011, trường đang đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I. Mang lại nhiều thành tích cho trường, cho sự nghiệp giáo dục thành phố Bến Tre nói riêng và của tỉnh nói chung, bản thân cô Trần Thu Nguyệt vinh dự là 1 trong 3 cán bộ, giáo viên của tỉnh được đề nghị công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc.
|
- freee
(13/07/2022) |
- Nhiệm vụ Giáo dục Mầm non năm học 2014 - 2015
(04/11/2015) |
- Chỉ 21% trẻ dưới 3 tuổi đến trường
(07/10/2015) |
- Các trường ở TP HCM phải tổ chức khám sức khỏe cho học sinh
(01/10/2015) |
- 7 điều cần dạy con trước khi bé đi học mẫu giáo
(01/10/2015) |
- Các Mẹ cần biết gì khi trẻ học Mầm non?
(01/10/2015) |
- Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế áo trung thu với những họa tiết ngộ nghĩnh và dễ thương tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
(28/09/2015) |
- Lưu ý dấu hiệu bất thường của trẻ khi bắt đầu đi học
(16/09/2015) |
- “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con”: Hãy học cách nuôi con của khỉ!
(27/08/2015) |
- Tôi “phát thèm” với cách dạy con của mẹ Mỹ
(27/08/2015) |
Trang: 1 2 3 Tiếp theo Cuối cùng |